Vì ĐTLA không được nhắc đến một cách minh xác trong bất cứ bài kinh nào của đức Phật (trên 20 bộ trong bản dịch Anh ngữ của Pali Text Society) nên chúng ta chỉ có thể giả định là nó được phê phán tương tự như DTLA được phê phán. Và thật vậy, có vẻ như đây là lí do vì sao nó không được nhắc đến một cách đặc biệt. Trong trường hợp nam và nữ cư sĩ, khi có sự thoả thuận hai bên, khi không có ngoại tình và khi quan hệ tình dục là biểu hiện của tình yêu, của sự tôn trọng, thuỷ chung và nhiệt tình thì nó không vi phạm giới thứ ba. Và trường hợp cũng y như vậy khi hai người có cùng giới tính. Cũng như thế, tính tạp loạn (en. promiscuity), phóng túng (en. license) và không tôn trọng tình cảm của người khác sẽ làm cho một quan hệ tình dục bất thiện, bất cứ quan hệ DTLA hay quan hệ ĐTLA. Tất cả những nguyên tắc mà chúng ta áp dụng để phê bình một mối quan hệ DTLA đều có thể được áp dụng để phê bình một mối quan hệ ĐTLA. Trong Phật giáo, chúng ta có thể nói rằng, không phải đối tượng của sự ham muốn tình dục của một ai đó thẩm định một hành vi tình dục là bất thiện hay không, mà thật sự là chất lượng của các cảm xúc và chủ ý liên quan trong đó.
Tuy nhiên, đức Phật đôi lúc cản ngăn một thái độ nhất định nào đó, không phải vì nó sai trên phương diện đạo đức mà vì nó có thể đưa ta đến sự xung đột với những quy chế xã hội hoặc vì nó lệ thuộc vào các ước chế pháp luật. Trong những trường hợp này, Phật nói rằng, việc tiết chế thái độ như thế sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi ưu lo và gian nan bị gây ra bởi thái độ không tán thành của xã hội, và giúp chúng ta thoát được nỗi âu lo về các hành động trừng phạt.
Quan hệ ĐTLA có thể được liệt kê vào loại thái độ này. Trong trường hợp này, người ĐTLA phải quyết định là chính mình, tức là cô hoặc anh ta sẽ chấp nhận cái mà xã hội yêu cầu hoặc là tìm cách biến chuyển thái độ của công chúng. Trong các xã hội phương Tây, nơi mà nhìn chung thái độ về tình dục đã bị ảnh hưởng mạnh bởi các cấm kị bộ lạc của Cựu Ước—và trong Tân Ước bởi những tư tưởng quá đỗi bệnh hoạn thần kinh của những người như St. Paul—ta thấy được một chứng cứ ủng hộ mạnh cho việc chuyển hoá thái độ công chúng.
Chúng ta giờ đây khảo sát một cách ngắn gọn những luận cứ phản đối ĐTLA và đưa ra những kháng biện theo nhà Phật. Phản đối thường gặp nhất từ phía Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo là quan hệ ĐTLA không tự nhiên và “đi ngược quy tắc tự nhiên”. Và dường như ít có chứng cứ cho sự kiện này. Miriam Rothschild, một nữ sinh vật học trứ danh, người đã đóng vai trò quyết định trong phong trào đấu tranh nhằm hợp pháp hoá ĐTLA tại Anh quốc, khi ấy chỉ ra rằng, cách sống ĐTLA đã được quan sát ở hầu hết tất cả những loài động vật. Thứ hai là ta có thể biện luận rằng, tuy chức năng sinh vật của tình dục là phục tạo (en. reproduction), nhưng hầu hết những hành vi tình dục thời nay không đáp ứng việc phục tạo mà chỉ để hưu dưỡng (en. recreation) và thoả mãn tình cảm—và đây cũng là một chức năng hợp lí của tình dục. Và như thế, ĐTLA tuy không tự nhiên về mặt nó không dẫn đến sự phục tạo, nó hoàn toàn tự nhiên đối với một người ĐTLA về mặt nó có thể mang đến cho anh ta hoặc cô ta sự thoả mãn thể xác và tình cảm. Thật như thế, đối với anh hoặc cô ấy, cách sống DTLA là phi tự nhiên. Thứ ba là ngay khi chúng ta thừa nhận ĐTLA “đi ngược quy tắc tự nhiên” thì chúng ta cũng phải công nhận rằng nhiều cách sống con người cũng là như thế, kể cả một vài cách sống theo tôn giáo sùng tín. Ca-tô giáo La-mã lúc nào cũng tố cáo ĐTLA vì tính phi tự nhiên được gán vào nó—nhưng lại có sự sống tuyệt dục (en. celibacy) được lí tưởng hoá lâu dài, là cái mà một số người có thể luận cứ cho rằng phi tự nhiên tương đương.
Một cách phản đối ĐTLA khác của Thiên chúa giáo là: ĐTLA bị lên án trong Thánh kinh—một luận cứ mang đầy ý nghĩa cho những ai thừa nhận Thánh kinh là lời dạy bất khả khiếm khuyết của Thượng Đế, nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa đối với phần đa số không thừa nhận sự việc này. Nhưng, trong khi không còn nghi vấn nào nữa về việc Thánh kinh kết tội ĐTLA, nó cũng quy định là nên cách li quan hệ xã hội với phụ nữ trong thời kì kinh nguyệt và cha mẹ nên giết con của mình nếu chúng tôn xưng bất cứ một Thượng Đế nào khác Thượng Đế trong Thiên Chúa giáo, và những ai làm việc trong thời gian Sabbath nên bị xử tử. Thời nay, ít tín đồ Thiên Chúa giáo nào tin vào những tư tưởng này—ngay cả trường hợp chúng là một phần của những lời Thượng Đế—, và họ vẫn tiếp tục lên án ĐTLA chỉ đơn thuần là vì ĐTLA bị kết tội trong Thánh kinh.
Thỉnh thoảng chúng ta nghe những lời như: “Giả sử ĐTLA không bất hợp pháp thì nhiều người, kể cả những người trẻ, sẽ trở thành ĐTLA”. Loại trần thuật này phản ánh một sự hiểu sai lạc trầm trọng về bản chất của ĐTLA hoặc có thể phản ánh bản chất ĐTLA tiềm tàng của người thốt ra một lời như thế. Lời này cũng ngu xuẩn cỡ như nói rằng, nếu việc tự vẫn bất thành không là một hành vi phạm tội thì ai ai cũng chạy đi tìm cách tự vẫn. Nguyên nhân của ĐTLA dù là gì đi nữa (và đang có cuộc tranh luận lớn về chủ đề này) thì người ta cũng chắc chắn không “chọn” lựa để có những cảm xúc ĐTLA như trường hợp người ta chọn lựa, cỡ như chọn một tách trà thay cho tách cà phê. Tính ĐTLA là bẩm sinh hoặc phát triển trong thời thơ ấu. Và sự việc cũng như thế trong trường hợp DTLA. Việc thay đổi luật pháp không thay đổi tính hướng tình dục của con người.
Một số người đã biện luận rằng phải có một cái gì đó không ổn nơi quan hệ ĐTLA vì quá nhiều người ĐTLA bị hỗn loạn tình cảm. Trước tiên thì có vẻ như có phần đúng ở đây. Ở phương Tây, ít nhất là ở đây, nhiều người ĐTLA đau khổ vì các vấn đề tâm lí, lạm dụng rượu và vướng mắc vào hành vi tình dục ám ảnh. Nhìn như một nhóm chung thì những người ĐTLA có tỉ lệ tự vẫn cao. Nhưng nhiều người quan sát đã cho ý kiến rằng, những vấn đề này dường như không xuất hiện rõ ràng ở những nhóm có quan hệ ĐTLA ở châu Phi và châu Á nhiều hơn là trong những xã hội họ đang sống. Rất có thể là những người ĐTLA phương Tây bị thái độ xã hội đối với họ tổn thương nhiều hơn tính hướng tình dục của họ, và, nếu họ được đối xử y như mỗi người khác thì họ sẽ là những người như mỗi người khác. Quả thật như thế, đây là luận cứ mạnh nhất cho sự thừa nhận và thông hiểu người ĐTLA.
Thiên Chúa giáo xuất phát từ Do Thái giáo và thừa hưởng tôn giáo này với truyền thống của các nhà tiên tri nhiệt tâm, công cáo phế trừ một cách hùng hồn những gì họ cho là không nghiêm túc đạo đức và không công bình. Đức Chúa Jesus đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi truyền thống này cũng như những cách ứng đáp của Thiên Chúa giáo đối với đạo đức công chúng và riêng tư nhìn chung. Nói về cái hay nhất của nó thì truyền thống tố cáo mạnh mẽ những gì phi đạo đức và bất công bình trong Thiên Chúa giáo đã mang đến phương Tây một trình độ ý thức xã hội cao. Nhược điểm nặng nhất của nó lại là việc diệt trừ và bức hại một cách tàn nhẫn những ai đã không hoặc đã không thể tuân thủ những tiêu chuẩn của Thiên chúa giáo.
Vai trò của một tăng sĩ Phật giáo luôn luôn khác hẳn vai trò của người giữ vai tương ưng trong Thiên Chúa giáo. Công việc của ông ta là thuyết giảng Phật pháp và hành động như một ví dụ điển hình thầm lặng của Phật pháp ứng dụng. Điểm này, cùng với một cách tiếp cận đạo đức theo lí tính và sự đề cao tính khoan dung, đã dẫn đến sự việc là những người ĐTLA trong các xã hội theo Phật giáo đã được đối xử thật khác biệt so với những người ĐTLA ở phương Tây. Ở các nước như Trung Hoa, Hàn và Nhật, nơi Phật giáo đã bị ảnh hưởng thâm sâu bởi Nho giáo, đã có những thời đoạn mà ĐTLA bị nhìn nhận một cách không tán thành và thậm chí có thể bị trừng phạt theo luật pháp. Nhưng nhìn chung thì thái độ vẫn đã là thái độ khoan dung.
Matteo Ricci, nhà truyền giáo Gia-tô sống 27 năm tại Trung Hoa kể từ 1583, đã biểu lộ lòng kinh hãi thái độ rộng mở và và khoan dung mà người Hoa dành cho ĐTLA và—quá tự nhiên thôi—ông ta đã xem đây là bằng chứng của sự suy đồi của xã hội Trung Hoa. “Điểm nêu rõ nhất sự bi thảm của những người này không gì ít hơn là sự khao khát nhục dục bẩm sinh; họ thực hiện những tham dục phi tự nhiên, phản nghịch quy tắc của vạn vật, và sự việc này chẳng những không bị nghiêm cấm qua luật pháp, mà cũng không được xem là phi pháp hoặc là một lí do để hổ thẹn. Nó được luận bàn công khai và được thực hiện ở mọi nơi mà không ai ngăn cản.” Tại Hàn quốc, hình tượng hwarang (flower boy, Hoa Đồng tử/ Hoa Lang?) được liên tưởng một cách công khai với ĐTLA, đặc biệt là trong vương triều Lí (Yi 1392-1910). Tại Nhật, nguyên cả một loại hình văn học (tiểu thuyết đoản thiên, thi ca và tiểu thuyết) nói về tình yêu giữa những Samurai và ngay cả giữa những tăng sĩ Phật giáo và những chú tiểu đã được hình thành trong thời trung cổ.[6]
Ở các nước Phật giáo Thượng Toạ bộ như Tích Lan và Miến Điện, ta không thấy có luật pháp chống đối quan hệ ĐTLA giữa những người trưởng thành thoả thuận nhau và chỉ cho đến thời kì bị đô hộ, các luật này mới được người Anh đưa ra. Thái Lan, một nước không hề bị đô hộ, hiện vẫn không có những luật pháp này. Điều này đã khiến những người ĐTLA phương Tây tin rằng quan hệ ĐTLA hoàn toàn được chấp nhận ở những quốc gia Phật giáo Nam và Đông nam á. Như vậy thì chắc chắn là sai. Trong những nước này, khi ĐTLA được đề cập đến thì nó thường được đề cập một cách khôi hài hảo tâm hoặc được nhắc đến với một mức độ thương hại nào đó. Có thể xác định được là cái thái độ kinh tởm, hoảng sợ và thù ghét mà người ĐTLA phương Tây thường phải chịu đựng, vắng mặt ở đây, và sự kiện này xuất phát từ nguyên nhân—với một mức độ rất lớn—, là ảnh hưởng nhân ái và khoan dung của Phật giáo.
[1] Có thể gọi là Phật giáo Nam truyền.
[2] Năm giới, là một trong những tụ tịnh giới nhỏ nhất mà hàng cư sĩ Phật tử phải thực hành. Đó là: 1. Bất sát sinh 不殺生, không được sát sinh; 2. Bất thâu đạo 不偸盗, không trộm cắp; 3. Bất tà dâm 不邪婬; 4. Bất vọng ngữ 不妄語, không được nói xằng bậy; 5. Bất ẩm tửu 不飲酒, không uống rượu.
[3] Pandaka (skt., pā. ) được dịch âm Hán Việt là Bàn-đồ-ca 般茶迦 hoặc dịch ý là Hoàng Môn 黃門, “cổng vàng”. Hoàng Môn là biệt danh của Thái giám vì đây chính là cổng dẫn vào thâm cung, người nam bình thường không được vào.
[4] Giới hạnh của hàng xuất gia theo đạo Bà-la-môn và đạo Phật, là hạnh từ bỏ nhục dục giới tính. Phạm hạnh là một trong những phần quan trọng của giới luật trong Tăng-già.
[5] Nghĩa là nguyên tắc có giá trị chung, có thể “lấy ta suy ra người” được.
[6] Xem thêm bài “Homosexuality in the Japanese Buddhist Tradition” của Dharmachari Jñanavira:
http://www.westernbuddhistreview.com/vol3/homosexuality.html .
Bản lược dịch của Lê Trần Huy Phú có thể xem ở đây: http://www.talawas.org/Bạn có thể xem tại website tinhyeutraiviet đã được đăng lại Đồng tính luyến ái trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản
“Homosexuality and Theravada Buddhism” -— Đồng Tính Luyến Ái và Phật Giáo Thượng Toạ Bộ. Tác giả: A. L. De Silva, Janapadaratna chuyển ngữ với sự hỗ trợ của bạn Yankee.
(sưu tầm từ website tinhyeutraiviet)