Khi đàn ông nói giọng nữ
|
Có thể chữa khỏi hoàn toàn giọng ái nếu đi điều trị sớm. Ảnh: Static.flickr.com. |
Con trai 16 tuổi, đã qua cái tuổi dậy thì thế nhưng Hải
(Gia Lâm, Hà Nội) vẫn nói giọng cao the thé như con gái, khiến cậu cảm
thấy tự ti, mặc cảm. Đi khám, bác sĩ cho biết cậu bị rối loạn vỡ giọng
tuổi dậy thì.
Bác sĩ Phạm Thanh Ngọc, khoa Thanh học, Bệnh viện
Tai-Mũi-Họng Trung ương cho biết, rối loạn vỡ giọng tuổi dậy thì hay vỡ
giọng kéo dài là một bệnh khá phổ biến. Theo thống kê, cứ 5 em trai
trong giai đoạn dậy thì có 1 em cần được tư vấn, chăm sóc y tế để phòng
bệnh, đảm bảo quá trình diễn ra tự nhiên. Và cứ 50 em trai thì có 1 em
cần nhâp viện để chỉnh lại giọng.
Vỡ giọng là một hiện tượng sinh lý bình thường, xảy
ra ở cả em trai và gái ở tuổi dậy thì. Đây là khoảng thời gian để
chuyển từ giọng trẻ con sang giọng người lớn. Ở nữ, quá trình này diễn
ra rất chậm, từ từ, nên ít người nhận ra, và ít trục trặc. Dây thanh
quản chỉ dài thêm 4 mmm.
Tuy nhiên ở các cậu bé, thanh quản phát triển nhanh
và rầm rộ, tạo sự đổi giọng đột ngột, khác biệt ai cũng dễ nhận ra. Dây
thanh quản phát triển theo trục thẳng đứng và bề ngang, nhô ra phía
trước tạo thành "quả táo Adam". Dây thanh dài thêm 10 mm, dày lên theo
bề ngang làm cho giọng trầm xuống, ồm ồm.
Sự thay đổi về giọng thường chỉ xảy ra trong thời
gian ngắn từ 3 đến 6 tháng, nếu kéo dài hơn sẽ chuyển thành bệnh lý,
gọi là bệnh vỡ giọng kéo dài, nói giọng con gái.
Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh
hưởng đến sự phát triển nhân cách, tâm trạng của trẻ. Những bạn nam bị
bệnh này thường cảm thấy mặc cảm, hay bị bạn bè trêu trọc.
Cũng theo bác sĩ Ngọc, nguyên nhân có thể do yếu tố
tâm lý, những rối loạn cá tính, chẳng hạn trước đó bạn nam đã tỏ ra rụt
rè kiểu con gái, dáng đi ẻo lả. Đặc biệt những yếu tố stress trong gia
đình và cộng đồng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trẻ mắc bệnh này
thường là ở những gia đình thiếu bố (mẹ độc thân nuôi con) hay bố
thường xuyên đi công tác xa.
Ngoài ra dây thanh quản nhỏ, mảnh mai, quá ngắn hoặc
thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nam cũng có thể gây ra hiện tượng này.
Các em trai từng bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng dễ gặp phải
những rối loạn về giọng ở tuổi dậy thì hơn.
Bà Ngọc cho biết bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được
bằng cách luyện tập các bài phát âm đặc biệt, tập phát từng âm có sắc
trầm của nam giới. Có thể đứng trước gương, đưa tay ấn vào vùng sụn
giáp (yết hầu) để đưa dây thanh quản về một vị trí thích hợp có thể
phát ra được âm trầm. Những bệnh nhân này phải hết sức kiên trì, thực
hiện nghiêm ngặt chế độ phát âm và cũng cần được sự quan tâm, chia sẻ
của những người xung quanh.
Tuy nhiên, với những em trai bị rối loạn về hoóc mon
sinh dục nam thì rất khó khắc phục. Nội tiết tố tiết ra không đủ, thanh
quản không phát triển thêm vì thế giọng vẫn giống trẻ con, cao, the
thé. Ngoài việc tập các bài phát âm, các em này còn áp dụng thêm phương
pháp hoóc mon trị liệu, nhưng khả năng hồi phục giọng không cao, lại
lâu.
Bệnh vỡ giọng kéo dài càng chữa sớm càng dễ phục hồi,
nếu kiên trì và tiếp thu nhanh thì chỉ 7-10 ngày là khỏi. Nếu để quá
tuổi (có người hơn 20 thậm chí 28 tuổi mới đi điều trị), khả năng hồi
phục giọng rất khó. Vì thế, bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo khi đến tuổi
dậy thì các bạn trai có thể đi khám, tham khảo tư vấn của bác sĩ để quá
trình vỡ giọng diễn ra an toàn. Nếu thấy hết 6 tháng mà vẫn nói giọng
nữ, nên đi chữa trị sớm.
Nam Phương